U máu, lành nhưng mệt
TTCT - Con tôi bị cái “bớt” đỏ trên mặt từ lúc mới sinh. Đi khám, bác sĩ bảo u máu lành tính, cháu lớn sẽ tự khỏi. Nhưng gần đây thấy nó to lên. Xin bác sĩ cho biết điều trị thế nào, ở đâu?
(N.T.Thảo, Bình Phước)
U máu bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em. Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có thống kê chính xác về tỉ lệ u máu trong dân số. Trong phần lớn trường hợp, bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sinh mạng bệnh nhân nhưng gây mất thẩm mỹ và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống. Cơ chế sinh bệnh thật sự vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng.
Nhiều dạng
U máu được phân thành hai nhóm: khối u mạch máu và các dị dạng mạch máu. Khối u mạch máu thường chiếm tỉ lệ cao hơn và bệnh có thể bớt tự nhiên trong phần lớn trường hợp. Chỉ khoảng 10% trường hợp khối u mạch máu cần can thiệp điều trị như khối u ở những vị trí nguy hiểm có thể che lấp đường thở, ảnh hưởng mắt, hệ thần kinh trung ương.
Hơn 80% trường hợp u máu xuất hiện ngoài da và ở vùng đầu, mặt, cổ. Tuy vậy, u máu cũng có thể xuất hiện ở nội tạng hoặc các vị trí nguy hiểm như mắt, mũi, họng… và có thể dẫn đến tử vong. Trong một số trường hợp, các dị dạng mạch máu có thể kết hợp với một số bất thường hệ thống khác, biểu hiện dưới dạng các hội chứng.
Đặc biệt, trong một số hội chứng như hội chứng Proteus, hội chứng Maffucci, một hay nhiều bất thường mạch máu có thể cùng hiện diện. Hội chứng Sturge Weber được đặc trưng bởi tổn thương dị dạng mạch máu trên da (bớt rượu vang) đi kèm bất thường mạch máu vùng mắt. Bệnh biểu hiện bởi các triệu chứng như động kinh, liệt nửa người, chậm phát triển tâm thần và cườm mắt.
Chính vì vậy, xử trí u máu đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều chuyên khoa như mắt, tai mũi họng, thần kinh can thiệp, phẫu thuật hàm mặt, nhi, da liễu...
Điều trị sớm, hiệu quả cao
Trước đây, có rất nhiều phương pháp được ứng dụng để điều trị u máu như phẫu thuật, chích xơ, dán đồng vị phóng xạ P32, thoa thuốc, uống thuốc… nhưng kết quả thay đổi và đôi khi để lại di chứng (sẹo) nếu điều trị không đúng cách.
Dán đồng vị phóng xạ P32 có hiệu quả trong nhiều trường hợp, nhưng hạn chế của phương pháp điều trị này là cần nhiều lần điều trị và thời gian điều trị thường kéo dài. Nhiều di chứng do điều trị dán P32 để lại như teo da, giãn mạch, mất sắc tố... ảnh hưởng đến thẩm mỹ người bệnh.
Bên cạnh đó, năm 2010 một nghiên cứu cho thấy điều trị dán P32 có liên quan với việc hình thành các u lành tính hoặc ác tính. Điều trị tiêm xơ khối u mạch máu thường để lại sẹo xấu. Phẫu thuật cắt bỏ khối u mạch máu cho kết quả tốt trong những trường hợp khối u nhỏ, khu trú.
Gần đây có một số biện pháp điều trị mới, đặc biệt là điều trị bằng laser màu có hiệu quả cao và ít để lại di chứng. Laser mạch máu thường được chỉ định cho những trường hợp u máu nông hoặc dạng u mạch phẳng. Trị liệu giúp tăng tốc độ thoái triển và làm giảm kích thước khối u. Ưu điểm của phương pháp là tương đối đơn giản, dễ thực hiện, ít để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên, phương pháp này thường ít hiệu quả đối với những trường hợp khối u nằm sâu.
Lời khuyên chung cho trẻ em bị u máu là điều trị càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm thì diện tích u còn nhỏ, mạch máu cũng nhỏ, điều trị sớm cho kết quả tốt. Về chuyên môn, tia laser xuyên thấu dễ hơn. Để lâu có thể gặp biến chứng lở loét. Hơn nữa, khi u còn nhỏ, chưa tiếp xúc ánh sáng nhiều, dễ điều trị hơn. Bởi nếu u hấp thu ánh sáng nhiều sẽ làm giảm hấp thu tia laser trong điều trị.
Ở đây có thêm lời khuyên cho phụ huynh là khi trẻ em 3-4 tháng tuổi mà phát hiện có dấu hiệu u máu thì nên tránh đem phơi nắng. Lúc này cần đem bé đến điều trị càng nhanh càng tốt. Phát hiện càng sớm điều trị ít khi để lại sẹo.
BS HOÀNG VĂN MINH (Giám đốc Trung tâm bướu máu, BV Đại học Y dược TP.HCM)